Bổ sung quy định, chế tài xử lý hành vi thao túng thị trường vàng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Người dân ngồi chờ mua vàng tại 1 chi nhánh ngân hàng BIDV trên phố Bà Triệu, Hà Nội (Ảnh: Khánh Huy)
Thuê người xếp hàng mua vàng “bình ổn”
Liên quan đến việc người dân xếp hàng mua vàng trong thời gian qua, mới đây, thông tin từ Bộ Công an, Phòng An ninh kinh tế CA Hà Nội đã xác định có 4-5 nhóm riêng biệt thuê người xếp hàng mua vàng "bình ổn" tại một số chi nhánh ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV tại Hà Nội.
Bộ Công an cũng nêu rõ, đơn cử một cửa hàng ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, có 4 người đi xếp hàng mua vàng ở các chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước. Ba trong số bốn người này đã mua được 4 lượng vàng mang về cửa hàng này. Tổng cộng, cửa hàng này đã mua được 14 lượng vàng SJC.
Trước đó, ngày 17/6, Phòng An ninh kinh tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội lập 3 tổ công tác kiểm tra cửa hàng trên, phát hiện chồng của chủ tiệm đang mua một lượng vàng SJC của một cá nhân với giá 81 triệu đồng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, không hóa đơn chứng từ. Trong khi đó, cửa hàng vàng này không được cấp phép mua bán vàng miếng SJC.
Tại thời điểm nhà chức trách kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ với một số mặt hàng trang sức mỹ nghệ bày bán. Tổ kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ tang vật vi phạm là một lượng vàng SJC và 232 nhẫn trang sức vàng, 48 nhẫn trang sức trắng.
Tương tự, khi kiểm tra cửa hàng vàng khác trên phố Hà Trung, cảnh sát phát hiện DN đang mua một lượng vàng SJC từ một cá nhân. Theo Phòng An ninh kinh tế Hà Nội, việc mua vàng với giá cao hơn ngân hàng bán ra cho thấy có hiện tượng người kinh doanh cửa hàng vàng bạc sẵn sàng chi tiền chênh lệch để mua được vàng miếng SJC, đi ngược quan điểm bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Việc các cơ sở đã được lực lượng chức năng kiểm tra không có giấy phép kinh doanh vàng miếng SJC, ngoại tệ. Việc mua lại vàng miếng SJC với giá cao để tích trữ, sau đó bán ra với giá cao hơn, gây bất ổn thị trường vàng. Cơ quan chức năng cho biết, hành vi của các cơ sở kinh doanh vàng này đang bị xem xét xử lý.
Quản lý thị trường vàng
Trước sự “nhảy múa” của giá vàng, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm bình ổn thị trường vàng. Động thái được đánh giá hiệu quả nhất là đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC với giá 77,9 triệu đồng. Sự tham gia của các ngân hàng vào thị trường vàng miếng cùng giá bình ổn đã khiến thị trường vàng hết “náo loạn”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đưa thị trường vàng trong nước thực sự vào thế ổn định, tránh khỏi tình trạng các DN lạm dụng việc bình ổn của Nhà nước để mua tích trữ bán lại giá cao… vẫn là một bài toán.
Dòng người xếp hàng để mua hàng tại 1 chi nhánh ngân hàng trên phố Huế (Ảnh: Khánh Huy)
Trả lời PV, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, vàng không phải là một loại hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn theo Luật Giá 2012, cũng như Luật Giá năm 2023 mới có hiệu lực từ ngày 1/7.
Do đó không có cơ sở để xử lý về hành vi đầu cơ. “Hành vi thao túng thị trường vàng thông qua việc câu kết thổi giá, găm hàng, tạo ra cung cầu giả, làm rối loạn thị trường vàng để trục lợi hiện nay pháp luật chưa có quy định xử lý một cách cụ thể” - luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn cho biết. Chưa có quy định cụ thể, tuy nhiên tác hại của hành vi thao túng thị trường vàng lại gây những hệ lụy rất tiêu cực giống như thao túng thị trường chứng khoán – theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn.
Có chăng, về trách nhiệm pháp lý chế tài liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng hiện nay chỉ có thể xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh vàng theo quy định tại Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Góp ý về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đồng tình với việc cần có quy định cụ thể để xử lý hành vi thao túng thị trường vàng. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, nếu không có quy định nghiêm cấm các hành vi thao túng thị trường vàng thì hiện tượng móc nối của DN, tạo sốt vàng ảo, kéo người dân vào thị trường bất ổn để trục lợi sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến thị trường vàng mà nó còn ảnh hưởng chung đến thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, chứng khoán...
Hơn nữa, việc đầu cơ tích trữ sẽ khiến dòng tiền đứng im, nằm im tại các “miếng vàng”, điều đó khiến dòng tiền sẽ hạn chế lưu thông, hệ lụy về suy thoái kinh tế – tiền tệ sẽ xảy ra. Trước đó, tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, ngoài những biện pháp bình ổn vàng của Nhà nước, cũng nên xem xét những biện pháp rộng rãi, căn cơ hơn nữa.
"Trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý. Chắc chắn chúng ta phải nghĩ đến chuyện thay đổi, sửa đổi quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP này" - GS.TS Hoàng Văn Cường đề nghị.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng. Có thể cho nhiều DN tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bởi theo ông, khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa...
Nghịch lý đấu thầu vàng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 1/5: trượt dốc - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 1/5: bất ngờ lao dốc không phanh - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 30/4: tiếp đà lao dốc - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 30/4: tiếp tục giảm - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 29/4: lao dốc nhẹ đầu phiên - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 29/4: quay đầu giảm - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 28/4: ghi nhận tuần tăng tốc - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 28/4: thế giới lao dốc, SJC tăng mạnh - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 25/4: cùng tăng nhẹ - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Hiển thị 71 - 80 tin trong 330 kết quả