Gán nhãn - Mầm ươm
1. Cô cũng làm thuê. Con thấy cô cực khổ không? Con lấy cắp sách thì tiền đâu cô bù lại cho người ta? Nào, nghe mẹ, vòng tay lại xin lỗi cô, hứa lần sau không nghịch ngợm nữa đi con!
Thằng bé mếu máo làm theo lời mẹ. Nó xin lỗi cô nhân viên bán sách mà nước mắt vắn nước mắt dài. Bà mẹ thấy con biết ăn năn hối cải cũng tỏ ra nhẹ nhõm, bằng lòng. Chị vừa dạy con mình một bài học mà nó đã biết ngoan ngoãn nghe theo.
Thằng Tý chiều nay nghe bạn nó (tạm gọi là Tèo!) vào hiệu sách thó sách lận vào trong lưng quần đem ra ngoài bán kiếm tiền đi chơi games. Tụi nó làm được ba phi vụ, đến chuyến thứ tư, chưa kịp lận vào thì cái con mắt camera trên trần nhà đã rõ ràng đưa nó lên màn hình theo dõi. Thế là hết. Hết chối. Cô nhân viên trẻ mặc áo dài màu đỏ tỏ ra giận dữ, đe dọa: nếu không kêu mẹ lên thì sẽ gọi điện cho công an tới làm việc, bắt về đồn, ở tù. Thằng Tý sợ quá, khóc lóc năn nỉ. Trong lúc đó, đồng bọn của nó, thằng Tèo mặt xanh như tàu lá chuối, chạy đi đâu mất tiêu…
Rốt cuộc thì mẹ thằng Tý cũng bỏ cái gánh hàng để tới gặp nhân viên nhà sách, xin lỗi, bắt con nhận lỗi, hứa sẽ chuộc sách trả. Chị không buồn vì mất tiền chuộc hàng (dù số tiền ba cuốn sách cũng gấp 3 - 4 lần khoản lời chị kiếm được trong ngày bằng cái gánh hàng rong bên cầu Thị Nghè) mà chị buồn vì con mình nghe bạn xấu, lần đầu tiên đi làm điều dối trá…
Thằng Tý hứa từ nay không phạm lỗi nữa. Vì hắn biết rằng, nếu phạm lỗi, không ai khác, mà mẹ nó, người yêu thương và lo lắng cho nó nhất trên đời sẽ là người khổ sở đầu tiên và nhiều nhất. Nó khóc thút thít bám tay mẹ đi ra khỏi hiệu sách trước sự cảm động của mọi người.
Người mẹ và nhân viên nhà sách đã không hắt hủi, coi thằng Tý là kẻ cắp, còn mở đường cho nó có cơ hội ăn năn.
2. Chuyện cách đây chưa lâu. Tại một nhà sách, người ta chứng kiến cô nhân viên bắt một cháu nhỏ mang chình ình trước ngực cái bảng: Ðây là kẻ cắp! Nhìn thằng bé tủi nhục khi bị người lớn gán cái nhãn to tướng vào cổ mà xót. Nó có sai. Nó có lấy sách một, hai, hay nhiều lần… ở đấy, nhưng không lẽ vì những lỗi phạm đầu đời (không quá trầm trọng!) ấy mà cả cuộc đời nó bị nỗi ám ảnh, mặc cảm bất lương theo đuổi mãi? Nó khóc. Người ta nhìn vào mắt nó không thấy nước mắt. Chỉ thấy sự u ám tủi hờn. Tôi sợ ánh mắt bị thương tổn ấy. Tôi sợ những tiếng nấc nghẹn vượt ngực ấy. Tôi sợ cái ngày hôm ấy sẽ hằn sâu vào ký ức nó những vết cùi hủi, khủng hoảng trong niềm tin vào điều tốt đẹp, lòng bao dung ở đời.
Ðừng gán nhãn cho trẻ con. Các em hiếu kỳ và đáng thương. Các em vụng về, hồn nhiên và dễ tổn thương lắm. Người lớn ơi, một nhãn tốt có khi làm cho cả đời em sáng lên. Nhưng một sự trừng phạt quá quắt có khi làm cả đời em đen tối như cái nhãn mà em phải mang lấy đầy tủi hổ.
3. Chưa lâu. Cách đây 17 năm, có một thằng bé nghịch ngợm lấy ná cao su bắn con gà trống của hàng xóm. Con gà kêu oác oác, xoay mấy cái rồi... nốc ao. Sợ người lớn đánh đòn, nó đã bỏ nhà vào rừng, đi bụi một ngày trời. Khi trở về, nó thất thểu vì đói khát và lo sợ. Nhưng mẹ nó đã quăng chiếc roi tre lên trời mà ôm lấy nó. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Nó líu ríu xin lỗi mẹ, xin lỗi nhà hàng xóm mà nó đã làm thiệt hại... một con gà.
Chiều ấy, mẹ nó bắt con trống tơ nấu một nồi cháo gà thiệt ngon để đãi đứa con hoang đàng trở về trong sự hối lỗi. Mẹ nó không quên thủ thỉ dặn dò: lần sau có lỡ sai sót gì thì nói cho mẹ biết, mẹ nghe, mẹ tha lỗi cho nghe con. Con có biết cả nhà đi tìm con, còn mẹ thì khóc hết nước mắt vì con không? Con đi vào rừng cả ngày như thế, nếu có chuyện gì thì mẹ đau buồn lắm! Ðáng lẽ mẹ đánh đòn con nhưng hôm nay mẹ không đánh, vì con lớn rồi, bảy tuổi rồi, con biết nghĩ, con sẽ thương ba mẹ mà không làm mất lòng ai, không làm việc xấu thiệt hại đến người khác nữa!
Thằng bé không bị đánh đòn mà khóc như mưa...
Tuyển Tập Nhạc Xuân - Nhạc
Hiển thị 1 - 10 tin trong 883 kết quả
Đang tải danh sách nhạc...