Kiến trúc sư... đã xây nên Châu Mỹ - Rau đắng
Istanbun 15.11.1963
Zeynep quý mến,
Tôi rất mừng khi nhận được thư bạn. Đúng là tôi đã nghĩ rằng đến trường mới ở Ankara chắc gì bạn còn nhớ đến chúng tôi. Vui biết mấy khi tôi đã sai lầm. Tôi đã đọc thư bạn ở lớp cho tất cả cùng nghe. Mọi người đều vui mừng và ai cũng muốn gởi lời thăm bạn, chúc bạn nhiều thắng lợi.
Bây giờ tôi xin giữ lời hứa và kể cho bạn tất cả những gì quan trọng xảy ra ở đây. Khoảng vài ngày sau khi bạn đi khỏi, trong lớp mình đã xảy ra một chuyện không dễ gì quên được. Tôi sẽ kể cho bạn nghe.
Một hôm, vào buổi sáng cô giáo dạy chúng tôi, vẫn cô giáo cũ mà bạn đã biết đấy, đến báo cho cả lớp sẽ có thanh tra đến trường làm việc. Cô giáo có vẻ rất lo lắng bồn chồn. Việc đó làm chúng tôi đâm ra sợ hãi, chúng tôi lo lắng hơn cả cô nữa.
Ngày hôm sau, tin chi tiết về ông thanh tra được loan báo trong học sinh cả trường. Chả là ông đã đến các trường xung quanh chúng tôi rồi. Thế là từ hình dáng, tính nết, đến những câu hỏi ông ra để kiểm tra học sinh, đều được chúng tôi hỏi kỹ bạn bè ở các trường ông thanh tra đến. Theo họ thì hầu như ở tất cả các lớp học mà ông thanh tra đến, ông ấy thường nói với các giáo viên: "Bạn hãy ra một đề toán cho học sinh của bạn làm vào tập" . Sau đó, các học sinh phải viết chính tả một bài thơ. Ông thường đọc lướt qua một vài quyển tập rồi bắt đầu ra câu hỏi cho học sinh. Những đứa bạn ở các trường nhấn mạnh một chi tiết khá quan trọng là các câu hỏi thường giống y như nhau ở tất cả các lớp, cho tất cả các học sinh được kiểm tra. Chỉ có bốn câu hỏi như thế này: "Châu Mỹ được tìm ra năm nào?" , "Em yêu ai nhất?" , "Ai đã chinh phục thành Istanbun?" và "Ai đã xây thành Sulâymanie?".
Hôm sau theo lệnh của cô giáo, chúng tôi có thêm một cuốn tập mới. Ngay giờ đầu, cô viết lên bảng một đề toán rất khó, kèm theo lời giải và bảo tất cả lớp chúng tôi:
- Các em hãy chép toàn bộ vào cuốn tập mới đề toán và lời giải này không được thiếu một chữ.
Chúng tôi còn phải chép thêm cả một bài thơ nữa. Suốt giờ học, cô giáo xem lại công việc của chúng tôi, cô kiểm tra đến cả từng dấu chấm, dấu phết xem đã được đặt đúng chỗ chưa. Nếu quyển tập nào có lỗi, dù nhỏ, cô đều tự tay chữa lại.
- Các em, khi nào ông thanh tra tới lớp ta, cô sẽ đọc cho các em viết đề toán và bài thơ này đấy nhé. - Cô dịu dàng nói với chúng tôi như vậy.
Lúc chúng tôi chép xong thơ và toán, cô lại nói:
- Còn bây giờ các em sẽ học cho thuộc các câu trả lời, khi ông thanh tra hỏi đến em nào, em đó phải trả lời thật nhanh, như một cái máy...
Cô giáo viết lên bảng các câu trả lời và chúng tôi bắt đầu học thuộc lòng như cháo. Lớp học biến thành một dàn đồng ca. Cô hỏi:
- Châu Mỹ được tìm ra năm nào?
- Năm 1492 ạ! - Chúng tôi đồng thanh gào lên.
- Em yêu ai nhất?
Câu này cô giáo cho trả lời tự do, mỗi đứa trả lời một cách, nên lớp học trở nên ầm ĩ như chợ. Một số đứa trả lời " Atatúc" (*), số còn lại thì " Mẹ em" hoặc " Cha em" .
- Ai đã chinh phục thành Istanbun? Cô hỏi tiếp.
- Vua Mêchmet vô địch ạ ! - Lập tức chúng tôi trả lời.
- Ai đã xây thành Sulâymanie ? - Cô giáo chưa nói hết câu hỏi, chúng tôi đã gào tướng lên:
- Kiến trúc sư Sinan ạ...
Cứ như vậy hai ngày liền chúng tôi học các câu hỏi và câu trả lời. Cô giáo còn nhắc nhở chúng tôi:
- Các em hãy cẩn thận đấy, đừng có quên nhé! Hãy học đi học lại ở nhà... cả lúc chơi, cả lúc ăn... lúc nào cũng học cho thật thuộc lòng vào nhé!
Và thế là tôi lúc nào cũng học, cứ lẩm nha lẩm nhẩm cả ngày để khỏi quên các câu trả lời. Tôi đọc trơn tru, câu nọ sau câu kia theo thứ tự cô cho: 1492, ba em, vua Mêchmet vô địch, kiến trúc sư Sinan, 1492, ba em,...
Tôi chăm học đến nỗi cả ngày lẩm bẩm đọc các câu trả lời. Có một buổi sáng, mẹ tôi sờ tay lên trán và hỏi:
- Con có bị sốt không thế ?
- Dạ, không ạ !
- Sao mà suốt đêm qua, lúc ngủ con la hét "1492, ba em, vua Mêchmet, kiến trúc sư Sinan,..." làm mẹ sợ quá, cứ tưởng con nóng sốt và nói mê sảng...
Cuối cùng thì ông thanh tra cũng đã đến trường tôi, mà ông ấy lại đến lớp tôi đầu tiên, từ sáng sớm mới chết chứ. Tính tôi, thì bạn đã biết rồi, tôi đâu có sợ lên bảng đọc bài, nhất là lại chuẩn bị kỹ rồi. Ấy thế mà chẳng hiểu vì sao, hôm đó tôi cứ run lên như bị ma quỷ ám ấy. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng, mất bình tĩnh thái quá của cô giáo tôi thì phải. Trời, cô ấy mới run làm sao chứ, cô cứ lóng nga lóng ngóng chẳng biết làm gì...
Ông thanh tra bằng giọng hách dịch ra lệnh:
- Cô hãy đọc cho các em viết một bài thơ.
Cô giáo cũng lớn tiếng bảo chúng tôi:
- Các em nghe rõ cả chứ ? Ngài thanh tra muốn chúng ta chép một bài thơ vào tập.
Và cô đọc cho chúng tôi bài thơ mà chúng tôi đã chép từ mấy hôm trước. Chúng tôi giả vờ chăm chỉ, cắm cúi viết. Cô giáo đọc xong bài thơ, ông thanh tra liền yêu cầu cho xem một vài quyển. Ông rất hài lòng khi thấy các quyển vở không hề có một lỗi nhỏ. Ông lại nói với cô giáo sau khi đã xem kỹ càng từng quyển:
- Cám ơn cô... các em viết rất tốt.
Nhưng ông vẫn tiếp tục kiểm tra một số quyển tập khác. Ông hỏi Chengis ngồi ngay bên trái tôi:
- Nào, em hãy đưa tập cho tôi xem.
Chengis vội vàng mở tập và đưa ngay cho ông thanh tra. Ông này ngạc nhiên kêu lên :
- Cái gì thế này hả ?
- Thưa ngài thanh tra, thơ đấy ạ!
- Đây là loại thơ gì hả ? - Ông ấy quát.
Tôi liếc mắt sang bên. Chết rồi! Chengis trong khi lúng túng đã mở lầm trang sách mà nó chép bài toán.
- Thế bài thơ cô giáo đọc cho em chép đâu rồi?
Ông thanh tra nghiêm khắc tìm hiểu vấn đề. Tai họa có thể xảy ra lập tức, nếu như... Chỉ chút xíu nữa là Chengis đã mở trang vở có chép bài thơ ra. May thay cô giáo đã rón rén đến sau ông thanh tra từ lúc nào và ra hiệu tới tấp cho Chengis, và nó đã hiểu ra. Nó lắp bắp:
- Thưa... em chưa viết, em chưa viết được ạ!
Cô giáo đang dùng tay ra hiệu cho nó thì bất ngờ ông thanh tra quay lại và ra lệnh:
- Cô hãy đọc cho các em một đề toán.
Bị bắt quả tang, cô giáo xấu hổ đỏ bừng mặt. Chúng tôi cứ tưởng ông thanh tra sẽ đòi hỏi học sinh giải toán trước khi chép thơ. Ai ngờ... do vô tình, ông ấy đã thay đổi thứ tự công việc và thế là Chengis sa bẫy, trở thành nạn nhân khốn khổ của ông thanh tra.
Vì ông đã có cuốn tập của Chengis trong tay, nên cô giáo bắt buộc phải đọc cho chúng tôi một đề toán khác dễ hơn nhiều. Bạn đã từng biết sức học của tôi đấy, toán đối với tôi có gì khó đâu, thậm chí nó còn là điểm mạnh của tôi nữa kia. Ấy thế mà, chả hiểu sao tất cả chúng tôi đều hoang mang đến nỗi tôi cũng không hiểu là đề toán đòi hỏi phải làm gì nữa. Ông thanh tra lắc đầu lia lịa khi xem tập giải toán của chúng tôi.
Thật khốn khổ cho cô giáo tôi, lúc đó trông cô thật tội.
Tôi tự bảo thầm: " Nếu ông thanh tra gọi tôi thì phải biết, tôi sẽ trả lời như máy để đỡ cho cô giáo tôi!". Cuốn băng ghi âm trong đầu tôi quay không ngừng... "1492, ba tôi, vua Mêchmet vô địch, kiến trúc sư Sinan, 1492,...".
Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông thanh tra chỉ vào tôi gọi:
- Em kia !
Tôi sướng nhảy người lên, sẵn sàng trả lời như máy. Về sau nghe các bạn kể lại, đầu tiên ông thanh tra hỏi tôi:
- Em bao nhiêu tuổi?
Chẳng kịp nghe xem ông ấy hỏi gì và cũng vì quá hồi hộp, tôi tưởng ông thanh tra hỏi về cái năm người ta đã tìm ra Châu Mỹ, tôi liền trả lời thật to:
- Thưa ngài 1492 ạ!
Trợn tròn mắt vì kinh ngạc, ông thanh tra hỏi lại tôi. Còn tôi lại nghĩ là ông ta chưa nghe rõ, tôi bèn nhắc lại to hơn:
- Thưa ngài 1492 ạ!
Ông thanh tra có vẻ ngờ vực hỏi tiếp:
- Thế ai chinh phục thành Istanbun, em nói xem nào?
Tôi không hề có ý nghĩ là ông thanh tra đã đảo lộn trật tự các câu hỏi nên cứ trả lời một cách thuộc lòng:
- Ba em ạ! - Tôi nói dứt khoát.
Ông thanh tra giận dữ dậm chân và hét lên:
- Có đức Ala chứng giám, tôi hỏi em, ai đã chinh phục thành Istanbun cơ mà, thế ai nào, hả cậu bé?
- Thưa ngài, ba em ạ!
- Vậy thì ba em là ai, hả?
- Kiến trúc sư Sinan ạ!
- Chà, cậu bé, em có biết em nói những điều ngớ ngẩn như thế nào không? Ta hỏi về ba em thì em lại nói về kiến trúc sư Sinan. Em làm sao thế?
Đến lúc này tôi mới biết là tôi đã nói lung tung lộn xộn. Nhưng vì quá hồi hộp và luống cuống, lại thêm bị ông thanh tra hét, tôi đâm hoảng, các ý nghĩ chạy nhoáng nhoàng, không làm sao sắp xếp lại được cho có thứ tự.
- Thế bây giờ em thử nói cho tôi xem kiến trúc sư Sinan đã làm gì nào?
- Thưa... ông ấy đã chinh phục thành Istanbun ạ!
- Em bảo ai?
Chợt thấy mình sai, tôi vội sửa:
- Kiến trúc sư Sulâymanie ạ.
- Thế ai đã xây thành Sulâymanie hả? - Ông quát.
- Vua Sinan vô địch ạ. - Tôi cũng hét lên.
Tôi cũng lờ mờ nhận ra mình lú lẫn, song khốn thay không dừng lại được nữa. Còn ông thanh tra thì đã phát cáu đến nỗi ông ấy cũng nói lộn xộn luôn:
- Này cậu bé, tại sao chúng ta lại phải vội vã thế làm gì... em phải biết là kiến trúc sư Mêchmet đã xây nên Châu Mỹ, còn Sinan vô địch đã tìm ra thành Sulâymanie... Như vậy thì thế nào nào...
Học sinh ngồi dưới thấy ngay tình thế nực cười, có mấy đứa không nhịn được, cười phá lên. Ông thanh tra cũng biết là mình nhầm lẫn nên vội sửa chữa:
- Có phải là tôi muốn nói rằng: Kiến trúc sư Sulâymanie đã xây thành Sinan, à quên kiến trúc sư Mêchmet đã chinh phục... vua vô địch... tôi muốn nói là... là...
Thấy mình càng lầm lẫn tai hại hơn, ông nói:
- Ôi, cậu bé này, em làm ta phát điên lên mất!
Điên tiết, ông ấy lắc đầu lắc tai liên hồi rồi hầm hầm bỏ ra khỏi lớp và đóng cửa sầm một cái. Trong lớp không còn ai dám thở mạnh nữa. Một lúc sau cô giáo mới như tỉnh lại:
- Khốn khổ chúng ta rồi!
Cô chỉ nói có vậy rồi im lặng. Còn tôi thì phân vân không biết cô ấy nói câu đó với ai: với tôi, với ông thanh tra hay với chính cô ấy?
Không thể tả nỗi tâm trạng của tôi lúc đó. Mỗi lần nghĩ lại sự việc đã diễn ra, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Thật tình tôi chỉ muốn giúp đỡ cô giáo bằng cách trả lời thật nhanh, thật trôi chảy tất cả các câu hỏi, thế mà kết quả lại ra thế đấy!
Bạn thân mến, một lần nữa chúng ta giao ước, hãy giữ lời hứa viết cho nhau tất cả những gì xảy ra ở đây và ở chỗ các bạn nhé!
Mong thư bạn và chúc bạn nhiều may mắn.
Bạn cùng lớp
Acmét(*) Atatúc: tên một anh hùng dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ
Mảnh dĩa vỡ - Mầm ươm
Hãy học cách tha thứ - Mầm ươm
Anh có giúp tôi? - Mầm ươm
Bài thuyết giảng - Mầm ươm
Những vết đinh - Mầm ươm
Một bài học - Mầm ươm
Cổ tích người cha - Mầm ươm
Lòng mẹ - Mầm ươm
Người chiến thắng - Mầm ươm
Ngày hoàn hảo - Mầm ươm
Hiển thị 551 - 560 tin trong 883 kết quả
Đang tải danh sách nhạc...