Người phụ nữ xã hội - Rau đắng
Ai bảo rằng việc người phụ nữ tham gia công tác xã hội là nguyên nhân làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, người ấy hoàn toàn nói bậy! Tôi có thể lấy ngay cuộc sống êm ấm của chính gia đình tôi đây để chứng minh.
Hồi ấy, do kết quả của sự nhập cảng dân chủ vào nước ta và nhờ chiến dịch vận động tranh cử rùm beng khắp nơi, mà việc bầu nghị sĩ cũng trở nên dễ dàng hơn, những sinh hoạt thì lại đâm khó khăn hơn, tôi buộc lòng phải cưới cô vợ có công ăn việc làm.
Vợ tôi là một viên chức hết sức mẫm cán. Những lúc rảnh rỗi, không có việc gì đan lát, nàng thường thích gây gổ cãi lộn với những bạn đồng sự. Tôi thì làm việc ban đêm ở một toà soạn.
Vào đúng cái hôm chúng tôi quyết định cưới nhau, vợ tôi được nhà băng cho nghỉ bù. Tuy thức suốt đêm làm việc, nhưng ngày hôm đó tôi vẫn không sao ngủ được. Chúng tôi đến phòng khai giá thú để đăng ký kết hôn. Ngay tối hôm ấy, để người vợ yêu ở lại nhà một mình trong căn buồng ấm cúng, tôi đến toà soạn làm việc. Sáng hôm sau, lúc trở về tổ ấm, tôi thấy mảnh giấy của vợ gài trên cửa buồng ngủ:
"Chồng yêu của em! Em đến nhà băng đây. Hôn đôi mắt nhỏ của anh".
Tôi được mảnh giấy của vợ mà cảm động đến rơi lệ.
Sau đó tôi leo lên giường làm một giấc đến tận chiều. Khi tỉnh dậy, vợ tôi vẫn chưa đi làm về. Sợ đến toà soạn trễ, tôi cũng viết cho vợ một mẩu giấy và gài lên đúng chỗ đó:
"Con mèo nhỏ của anh! Anh đi làm đây. Vì đã trễ giờ rồi! Hôn đôi má thơm tho của em!"
Sáng hôm sau chúng tôi vẫn không gặp được nhau. Nhưng người vợ chung tình của tôi vẫn không quên để lại cho tôi một lá thư nồng nàn âu yếm, với những lời lẽ ngắn gọn, cô đọng như mệnh lệnh của viên chỉ huy dũng cảm trước giờ tấn công.
"Anh bé bỏng của em! Em đi đây. Hôn anh một ngàn, ngàn, ngàn cái"
Tôi lại viết trả lời ngay:
"Em bé bỏng của anh! Anh đã nhận được thư của em. Cám ơn em nhiều nhiều. Hôn đôi môi ngọt ngào của em. Chồng của em Haxan Kaphađan"
Từ đó chúng tôi bắt đầu ôm và hôn nhau qua các bức thư. Ba tháng sau kể từ ngày chúng tôi cưới nhau. Trong một bức thư để lại cho tôi vẫn ở chỗ cũ trên cửa buồng ngủ, vợ tôi viết:
"Anh thân yêu! Cám ơn anh một ngàn lần vì đã gửi thư cho em. Em vẫn rất khoẻ và mong anh cũng khoẻ như thế. Em xin báo ngay để anh biết tin mừng là chúng ta sắp có con. Em cảm thấy hình như em hơi có mang. Nhưng không sao cả đâu, anh đừng lo lắng gì cả! Bác sĩ bảo rằng đã đến tháng thứ tám. Em rất muốn đứa con của chúng ta lớn lên sẽ thành một công dân có ích cho xã hội. Nhưng muốn vậy chúng ta phải sát cánh cùng nhau làm việc thật hăng say hơn nữa, anh nhé! Anh nhớ viết thư cho em luôn đấy. Em chờ. Pakidê Kaphađan riêng của mình anh".
Như bất cứ một ông bố nào, tôi sung sướng vô hạn khi nhận được tin đó. Tôi lập tức viết thư trả lời vợ dán lên cửa buồng ngủ:
"Nàng tiên của anh. Anh sung sướng không sao tả xiết. Anh đã mua tặng em cái trâm cài đầu. Em cứ lật gối lên sẽ thấy. Hôn em nghìn, nghìn, nghìn lần."
Tất nhiên, vợ chồng tôi sống với nhau lâu dần cũng quen đi, và ngọn lửa yêu đương nồng đượm ban đầu cũng dần nguội lạnh.
Chúng tôi đã quen với cuộc sống gia đình, nên đã bắt đầu ít quan tâm đến nhau hơn. Thậm chí chúng tôi đã quên cả viết thư cho nhau, hoặc viết rồi nhưng quên không gài lên cửa. Mấy năm sau thì chuyện thư từ thôi hẳn. Nhưng căn cứ vào những chiếc bít tất hay những cái quần áo lót của vợ tôi để vương vãi trên bàn ăn hay trên mặt radio mà lần nào dọn buồng tôi cũng nhặt được, tôi biết rằng vợ tôi vẫn thường xuyên đảo về nhà.
Cuộc sống hạnh phúc của gia đình chúng tôi cứ thế trôi qua nhiều năm như thế.
Một hôm đi làm về, thấy người mệt mỏi, tôi rẽ vào rạp xem phim. Ở trong rạp, tôi đã gặp một chuyện hết sức bất ngờ. Tôi đang ngồi thì có một phụ nữ ăn mặc rất đứng đắn, tự nhiên ôm choàng lấy cổ tôi mà kêu:
- Ôi, anh yêu, anh thương, anh quí của em!
- Ấy... ấy!.. xin lỗi bà! tôi hoảng quá, nói lắp ba lắp bắp. Tôi là người đã có gia đình rồi. Tôi là bố của một gia đình. Xin bà buông tay ra. Tôi không thích những chuyện lả lơi như vậy.
Người đàn bà nói:
- Anh không nhận ra em ư? Chao ôi, thật là xấu hổ. Em là Pakidê Kaphađan, vợ anh đây mà.
Tôi ngượng quá, đỏ dừ cả mặt.
- Nghĩa là... bà... à... em là cô vợ Pakidê yêu quí của anh đấy à? Xin lỗi em, thế mà anh không nhận ra. Từ ngày không gặp em đến giờ. Em lớn ra nhiều quá!
Vợ tôi chỉ vào ba đứa trẻ ngồi sếp hàng thong dong từ bé đến lớn, một đứa gái và hai đứa trai, bảo tôi:
- Con chúng mình đấy.
Tôi làm điệu bộ của một ông bố, âu yếm nắm tay mấy đứa bé và bảo chúng:
- Rất hân hạnh được làm quen.
Nhưng tảng lờ đi như không nghe thấy câu nói của đứa con gái yêu của tôi nói thầm vào tai mẹ nó:
- Mẹ chẳng có mắt nhìn người gì cả. Mẹ không chọn cho chúng con một người bố đẹp hơn hay sao?
Đoạn nó chỉ vào một người đàn ông trông rất bảnh bao ngồi bên cạnh, bảo tôi:
- Đây là bác cháu.
Đã bao nhiêu năm trôi qua mà cuộc sống của gia đình tôi vẫn hòa thuận, yêm ấm, không có điều gì phàn nàn cả. Nói ví thử, giá tôi không lấy một người vợ có công ăn việc làm, thì suốt ngày chúng tôi sẽ mắng chửi nhau mất. Đằng này, lấy nhau đã từng ấy năm trời, mà giữa chúng tôi vẫn không hề xảy ra chuyện gì có thể làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình. Và bởi vì không sao tìm được thời gian gặp nhau, nên giữa hai vợ chồng tôi cũng chẳng bao giờ xảy ra chuyện xích mích cãi cọ. Chúng tôi sống êm ấm, bình lặng, không hề giận hờn, cũng chẳng bao giờ đánh đập nhau.
Tấm gương của gia đình chúng tôi há chẳng phải là bằng chứng hùng hồn cho việc người phụ nữ tham gia công tác xã hội là hoàn toàn không có hại gì đến hạnh phúc gia đình hay sao?
Nhập khẩu cả Trời - Rau đắng
Thanh tra sắp đến - Rau đắng
Cả một ổ - Rau đắng
Lỗi là tại anh - Rau đắng
Xót tiền dân - Rau đắng
Nếu tôi là đàn bà - Rau đắng
Hội cứu vớt gia đình - Rau đắng
Nhỏ và đẹp - Rau đắng
Xin mời bác cứ đến chơi... - Rau đắng
Giá không có ruồi ! - Rau đắng
Hiển thị 451 - 460 tin trong 883 kết quả