Xin mời bác cứ đến chơi... - Rau đắng
Một ông văn sĩ rất có tiếng nọ vừa kỷ niệm ngày sinh thứ 60 của mình xong, ấy thế mà không hiểu tại sao lắm độc giả cứ khăng khăng cãi là ông phải nhiều tuổi hơn thế nhiều. Hay có chuyện lạ đời như vậy có lẽ là vì những cái nổi tiếng nói chung dễ được người ta gán thêm cho tuổi tác, để tăng thêm phần danh giá, mà cũng có thể là vì chính bản thân sự vinh quanh làm cho người ta già đi, vì nó luyện cho người ta phải biết sống dựa vào chút tiếng tăm còn dư lại của ngày xưa.
Quả thật, không hiểu tại sao người ta cứ hay nghĩ là các văn sĩ nổi tiếng thì không những phải già hơn, mà còn phải giàu có hơn cái thực tế của họ nhiều. Chứ lại không à! Tiếng tăm lừng lẫy như thế mà bảo không giàu thì ai mà tin được! Cứ gọi là trong nhà phải có một hòm vàng, phải không còn thiếu thứ gì nữa! Ðồ đạc thì chả phải nói, tất nhiên là phải toàn sập gụ tủ chè rồi!
Vậy thì ông văn sĩ mà chúng ta vừa nói bị người ta cho rằng già hơn tuổi là cũng đúng thôi. Bởi lẽ là giống như tất cả những người trải đời, trông ông sớm già và sớm có một vẻ gì tiều tuỵ, hom hem. Còn chuyện bảo ông giàu, thì tất nhiên cũng không phải không có lý. Thì cứ xem ngay cách ăn mặc của ông thì biết, chả lúc nào là không nuột nà chải chuốt. Tủ quần áo của ông tuy chưa đến mức chật ních, nhưng lúc nào cũng treo dăm sáu bộ, may cách đây tuy đã chục năm, nhưng bộ nào bộ nấy trông hãy còn mới nguyên. Mà bộ nào ông mặc trông cũng nền lắm! Hai nữa, tuy có lúc trong túi chỉ vẻn vẹn còn có chục bạc, nhưng ông ăn tiêu vẫn rộng rãi và sang lắm, nên người ta cứ ngỡ ông phải có đến chục nghìn. ấy thế nhưng thực ra thì ông rất túng, và túng đã lâu rồi. Có cái là ông hết sức giấu không để ai biết chuyện đó mà thôi.
Bởi đã đến lúc tiếng tăm của ông không còn đem lại cho ông nhiều tiền bạc nữa. Không biết vì thị hiếu bây giờ đã thay đổi, hay vì một nguyên nhân nào khác, nhưng sách của ông người ta không in nữa. Ðến các báo cũng không tờ nào buồn đặt ông viết bài. Các nhà xuất bản cũng chả nhà nào hỏi han gì đến ông. Thử hỏi thế thì ông, một người chỉ biết sống bằng ngòi bút, và suốt đời hy sinh cho sự nghiệp văn chương còn biết làm gì nữa?
Nhưng ông lại cứ tưởng rằng tiếng tăm của ông hãy còn lững lẫy lắm. Hay ông tưởng nhầm? Nếu tưởng nhầm, thì tại sao độc giả vẫn nhớ đến ông, khi đi đường ta vẫn chào hỏi ông và lúc chuyện trò người ta vẫn nhắc đến tên ông?...
Trước đây, có một thời gian ông làm cho các báo. Nhưng khổ nỗi là các ông bạn làm báo quen biết hồi xưa nay chẳng còn ai. Giá như họ vẫn còn làm ở các tòa soạn thì hẳn ông đã đến gặp để xin việc rồi. Còn những đồng nghiệp mới thì ông lại không quen, tuy rằng nếu có đến gặp thì chắc họ vẫn biết ông, vì ông là một văn sĩ nổi tiếng, và vẫn tiếp đãi ông một cách niềm nở, thậm chí vẫn thưa gửi với ông một cách kính cẩn nữa là khác.
Nhớ lại hồi xưa, đến tờ báo nào, ông cũng được người ta đón tiếp thật là niềm nở, và ngược lại ông cũng hết sức vui vẻ thân mật với họ, vì thế họ lại càng mến ông và đặt ông viết lúc thì một bài báo, lúc thì một bài dịch, lúc thì một bài châm biếm.
Sáng hôm nay, ông ăn mặc cẩn thận hơn mọi ngày: ông quyết định đến thăm tờ báo mà ngày xưa ông thường lui tới và đã có lần đăng truyện của ông. Khi bước đến cửa toà soạn, cái cửa mà mọi khi ông vẫn quen ra vào tự do, ông bị người gác cửa giữ lại:
- Ông hỏi ai?
Ông trả lời là muốn gặp ông chủ bút.
- Ông tên là gì để tôi vào thưa?
Ông xưng tên. Người gác cổng chừng cũng biết tiếng ông, nên khi nghe ông xưng danh, y bỗng sốt sắng đứng dậy.
- Xin ông chờ cho một phút!
Nói đoạn y gọi dây nói báo cho viên chủ bút biết rồi bảo:
- Xin mời ông vào.
Nhà văn bước vào buồng ông chủ bút. Khách và chủ chưa quen biết nhau mấy, nhưng chủ đã nhanh nhẹn đứng lên đón, lễ phép bắt tay, rồi niềm nở kéo ghế mời khách ngồi. Sau đó, lại ân cần hỏi khách quý muốn dùng gì.
- Xin ông một tách cà phê vừa ngọt thôi ạ!
Bây giờ chắc thế nào viên chủ bút cũng sắp hỏi: "Ngài có mang gì đến cho chúng tôi không ạ?". À mà không, cứ xem cái dáng điệu quá lễ phép của ông ta như thế thì chưa chắc ông ta đã dám hỏi thẳng câu ấy, mà phải hỏi một câu gì khác, đại khái như "Ngài có điều gì cần dạy không ạ?" kia! Không biết nên trả lời ông ta thế nào đây? Chả lẽ lại nói thẳng là mình đến xin việc? Vì thế, để tránh trước câu hỏi ấy, nhà văn ta mới vào đề bằng câu:
- Tôi rất thích những bài báo của ông viết, nhất là cái bút pháp độc đáo của ông.
- Dạ, ngài quá khen!
- Không hôm nào tôi bỏ được các bài xã luận của ông.
- Dạ, cảm ơn ngài đã quan tâm...
- Hôm nay nhân tiện đi ngang qua đây tôi muốn rẽ vào thăm...
- Dạ, thật là quý hoá quá!...
- À mà tôi không làm phiền gì ông đấy chứ?...
- Ấy chết, sao ngài lại nói thế ạ! Ðược ngài đến thăm thật là hân hạnh cho chúng tôi...
Nhưng rồi cà phê đã cạn và những câu trao đổi xã giao cũng đã hết. Biết nói gì nữa đây?
Viên chủ bút chắc sắp phải hỏi về mục đích cuộc viếng thăm của ông, vì đã lâu nhà văn không đến thăm toà báo, mà hôm nay bỗng lại đến... Tất nhiên lúc đó ông sẽ nói rõ mục đích ông đến thăm và viên chủ bút chắc sẽ hỏi: "Ngài có cuốn tiểu thuyết nào viết xong rồi không ạ? Giá ngài cho phép bảo chúng tôi được đăng thì thật là hân hạnh quá..." Và ông sẽ bảo: "Rất tiếc là tôi không đem theo cuốn nào. Nhưng hiện nay tôi đang viết hai cuốn tiểu thuyết và một cuốn sắp viết xong..."
Khốn nỗi câu chuyện cứ loanh quanh mãi mà vẫn không chịu vào đề. Nhà văn đành phải hỏi lái sang chuyện khác:
- Các ông làm chính trị, chắc phải theo dõi tất cả các sự kiện. Vậy các ông có ý kiến thế nào về bài diễn văn gần đây của ngài thủ tướng?
Hỏi xong câu ấy nhà văn mới thấy ân hận, vì khi viên chủ bút trả lời, ông có nghe và có hiểu gì đâu.
Câu chuyện vẫn rôm rả, nhưng viên chủ bút vẫn chẳng hề ngỏ ý nhờ ông viết cho cái gì: tiểu thuyết, báo hay truyện ngắn...
- Thôi xin phép ông, kẻo làm ông mất thời gian.
- Ấy chết, ngài cứ nói thế!... Mấy khi chúng tôi hân hạnh được ngài đến chơi... lúc nào có dịp, xin mời ngài cứ đến ạ!
Vừa xuống cầu thang, nhà văn vừa nghĩ: Không hiểu câu ông ta nói: Xin ngài cứ đến chúng tôi rất hân hạnh" là có ý gì? Chỉ là một câu nói xã giao hay là một lời mời thành thực? Có thể, lần này ông ta chưa dám để nghị mình viết cho cái gì, chỉ vì sợ hơi đường đột chăng? Nếu vậy lần sau đến, chắc thế nào ông ta cũng phải mời mình viết cho một bài báo... Mà cũng có thể quả thật hôm nay ông ta chưa có việc gì cần nhờ đến mình...
Nhà văn nổi tiếng nghĩ vậy rồi đi đến tờ báo khác. Ông quyết định phải gặp viên giám đốc tờ báo này, vì hồi xưa ông có quen biết cố thân sinh ra ông ta. Lúc đầu, ông có thể gợi chuyện về bố ông ta, tỏ ý thương tiếc ông cụ, rồi dần dần sẽ lái sang chuyện làm ăn.
- Ông cần gặp ai? - người gác cổng hỏi.
Ông trả lời là muốn gặp ông giám đốc. Nhưng người ta cho ông biết ông giám đốc đi Châu Âu mất rồi. Ðã định quay về, nhưng ra đến cửa, đứng tần ngần một lúc, nghĩ thế nào ông lại quay lại bảo người gác cửa:
- Nếu vậy bác cho tôi gặp ông phụ trách mục văn nghệ.
- Ông cho tôi biết tên để tôi vào báo.
Ông xưng tên và người ta cho ông vào.
Câu chuyện giữa ông và ông phụ trách mục văn nghệ mở đầu cũng na ná như câu chuyện giữa ông với viên chủ bút tờ báo trước. Có điều lần này ông phải tìm cách nói khéo ngay cho chủ nhân biết là ông sẵn sàng viết một cái gì đó, thậm chí ông còn nói thẳng là từ lâu ông vẫn viết truyện ngắn cho các báo. Ðoạn ông nói thêm:
- Chỉ tiếc là có lẽ ông không còn nhớ cái hồi đó...
- Ồ, sao bác lại nói thế! Tôi nhớ lắm chứ! Truyện nào của bác tôi cũng đều đọc cả. Bác viết truyện hay lắm, quên thế nào được.
- Các nhà văn trẻ bây giờ kể ra cũng có viết - nhà văn lại nói tiếp - nhưng... không biết diễn đạt thế nào cho đúng... chứ thật ra thì truyện của họ chưa thể gọi là truyện được. Vì viết được một truyện hay có phải dễ đâu!
- Vâng, tất nhiên rồi, bác bảo bây giờ tìm đâu ra những người viết hay như hồi các bác được!
"Thì hắn đang ngồi lù lù trước mặt anh đây mà anh mù hay sao!" Nhà văn suýt buột mồm kêu lên như vậy, nhưng may lại kìm được.
Khi chia tay, viên phụ trách mục văn nghệ cũng lại bảo:
- Xin mời bác có dịp cứ ghé lại chơi. Chúng tôi thật lấy làm hân hạnh.
Suốt một tuần liền, nhà văn cứ đi hết toà báo này đến toà báo khác, nói chuyện với đủ mọi người, từ giám đốc đến chủ bút, thư ký... Lúc thì nói về các bài xã luận, lúc thì bàn về tiểu thuyết. Nhưng lần nào cũng vậy, ông đều được người ta trả lời bằng một câu giống nhau "Xin mời bác cứ đến, chúng tôi rất hân hạnh". Có vài toà soạn ông đến hàng hai, ba lần, nhưng chẳng lần nào có ai thuê ông viết lấy một chữ, hay đề nghị ông làm cho việc gì. Có lẽ họ không dám nói với ông vì sợ thiếu tế nhị chăng? Nhưng cũng có thể họ cho rằng một nhà văn tên tuổi như ông thì chắc phải sống ung dung lắm rồi, việc gì còn phải làm việc nữa.
Thế cho nên ông mới phải nói thẳng với họ rằng ông cần việc làm, hay thậm chí một chân gì trong toà soạn cũng được. Kinh nghiệm lâu năm cho ông biết rằng những chức vụ như trưởng ban, biên tập viên, bình luận viên, hay tầm thường như một phóng viên thôi, cũng chả đời nào họ dành cho ông cả. Với lại, ông cũng chả màng đến các chức ấy. Ông sẵn sàng làm bất cứ việc gì, miễn là có miếng ăn là được rồi.
Ông đi hết toà soạn này đến toà soạn khác. Nhưng cái sách mời chào quá trịnh trọng của những người đón tiếp ông, những câu "Dạ, thưa bác" quá lễ độ của họ khiến ông đâm lúng túng, không dám thú nhận cái cảnh nghèo túng của mình. Ðã có lần ông tìm cách nói thẳng với họ rằng cứ ngồi nhà mãi không có việc gì làm thì cũng buồn, rằng tuy thế ông cũng chưa phải già đến mức không thể làm việc được nữa, không thể giúp ích gì cho mọi người được nữa, rằng ông đã chán ngấy cái cảnh ăn không ngồi rồi, rằng ông rất sung sướng nếu có bất cứ việc gì để làm.
Nhưng người ta thì bảo ông: "Dạ, bác cứ nói thế, chứ ở toà báo đâu có việc gì đáng cho bác làm... Bác bảo muốn làm bất cứ việc gì, nhưng cũng phải là việc quan trọng to tát chứ như các công việc ở toà soạn này thì đâu có đáng để bác bận tâm. Nói thế mong bác cũng bỏ quá cho..."
Rồi lúc tiễn ông ra về, người ta còn nói thêm: Dạ xin mời bác cứ đến chơi với chúng tôi, thế là hân hạnh lắm rồi ạ!"
Từ đó, ông quyết định không có quanh co úp mở gì nữa, mà cứ nói toạc ra là ông đang cần tiền và sẵn sàng làm cả chân sửa bài.
Nhưng người ta lại bảo:
- Ấy chết, sao lại thế ạ. Ngài mà lại phải đi làm cái việc sửa bài thì có họa là...
Nhưng nhà văn không chịu thua. Ông bảo nếu không có việc sửa bài, thì có thể cho ông bất cứ việc gì khác cũng được.
Người ta lại tưởng ông đùa và bảo:
- Dạ ngài cứ nói đùa vậy chứ ạ...
Ðã thế, ông tự nhủ, phải nói thẳng hơn nữa! Ðến một toà soạn khác, ông đã kể cho họ biết rằng đã 3 tháng nay ông không có tiền trả tiền nhà, rằng ông đang mắc nợ như chúa chổm, và bây giờ nếu có việc gì làm thì thật ông sung sướng biết mấy. Mà chả lẽ bao năm nay ông làm việc cho các báo mà bây giờ lại không xin được việc gì làm hay sao?
- Trời ơi, ngài có ý định giễu cợt chúng tôi hay sao mà cứ nói những chuyện như thế ạ! Chả lẽ ngài lại muốn làm bất cứ việc gì thật hay sao?
Ông lại đến một toà soạn khác. Và lần này thì ông không còn giấu giếm chuyện gì nữa, mà bảo thẳng với họ rằng ông đang sống dở chết dở đây, rằng bao nhiêu quần áo ông đã phải bán hết, chỉ còn độc một bộ đang mặc trên người đây thôi. Thử hỏi thành thực đến mức ấy thì thôi chứ còn gì nữa? Cuối cùng, ông xin người ta cho ông làm cái việc sửa bài hay bất cứ công việc gì ban đêm cũng được.
- Ấy chết, ngài cứ dạy thế, chứ một nhà văn có tiếng như ngài mà phải đi làm những việc như thế thì còn ra làm sao ạ!
Lúc đầu, nghe người ta nói: "Ấy chết, ngài cứ dạy thế!" ông cũng cảm thấy hãnh diện, nhưng sau ông mới hiểu rằng người ta nói thế chẳng qua chỉ cốt để chối khéo ông mà thôi...
Thế nhưng ông vẫn cứ đi lạy lục hết toà soạn này đến toà soạn khác để xin việc. Ðể rồi lại được nghe những lời rất tử tế:
- "Ấy chết... Xin mời ngài cứ đến chơi ạ. Thật là quý hóa!"
Khốn nỗi, chỉ nghe những lời tử tế suông thôi, người ta đâu có thể no bụng được!
Bài giảng của Thánh Gioan Vianney - Bài 35 - * Chia sẻ và Đời sống
Bài giảng của Thánh Gioan Vianney - Bài 36 - * Chia sẻ và Đời sống
Khúc hát một loài hoa - Têrêsa - Thánh Ca
Lá sầu riêng - Cải lương - Chèo
Người tình trên chiến trận - Cải lương - Chèo
Hiển thị 161 - 170 tin trong 883 kết quả
Đang tải danh sách nhạc...